Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế.
Ở Việt Nam, các sản phẩm làm bằng nhựa và túi ni lông đã trở thành những vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tiếng riêng 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nhựa và túi ni lông nếu chon lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loài thực vật, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Túi ni lông còn làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ngập úng…Mặt khác, nếu đốt túi ni lông sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và gây ung thư…
Trước thách thức về tình trạng ô nhiễm nhựa và ni lông, thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc BVMT nói chung, trong đó có rác thải nhựa và ni lông nói riêng. Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa và túi ni lông được đẩy mạnh.
ntn-ccbvmt (Tin dẫn nguồn từ Tạp chí môi trường số 09/2018)